Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Lạm phát 2014 và năm 2015 sẽ tiếp tục ổn định

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 chỉ tăng 3,23% so với cùng kỳ 2013 và 2,36% so với đầu năm (là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua ). Lạm phát cơ bản (so với cùng kỳ) ở mức 3,09% trong tháng 10/2014, tiếp tục xu hướng giảm kể từ đầu năm. Với xu hướng trên, theo dự báo của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản, thì lạm phát cả năm 2014 sẽ không quá 4%.

Ổn định kinh tế vĩ mô được duy trì khá vững chắc

Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định, các tổ chức tín dụng (TCTD) đồng loạt giảm lãi suất huy động ngay từ đầu tháng; lãi suất liên ngân hàng ổn định ở các kỳ hạn. Tính đến 30/9/2014, tăng trưởng tín dụng đạt 7,26%, là mức tăng khá so với mức tăng cùng kỳ năm 2013 (6,2%). Mặc dù có biến động do yếu tố tâm lý vào đầu tháng 10, tỷ giá nhìn chung khá ổn định nhờ mức thặng dư thương mại 2,2 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm.

Bên cạnh đó, tăng trưởng GDP quý 3/2014 cao hơn cùng kỳ 3 năm trước và duy trì xu hướng tăng từ quý 1/2013. Điều này là nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và xây dựng. So với quý 3/2013, mức đóng góp của khu vực này đối với tăng trưởng đã tăng từ 1,97 lên 3,13 điểm % và ở mức cao hơn cùng kỳ các năm 2010-2013. Xu hướng cải thiện này diễn ra đều ở các ngành kinh tế. So với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng của cả 3 khu vực (nông-lâm-thủy sản, công nghiệp và xây dựng, dịch vụ) đều cải thiện, nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ.

Thêm vào đó, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá đối với cả khu vực kinh tế trong và ngoài nước. Trong 9 tháng năm 2014 tăng trưởng xuất và nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước lần lượt tăng 14,2% và 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 4,4% và 5,3% của năm 2013). Trong khi đó khu vực FDI có tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu là 14,1% và 9,8% (thấp hơn mức 22,4% và 24,8% của năm 2013).

Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài trầm lắng, số lượng giao dịch thành công tăng liên tục từ giữa năm 2013 đến nay. Giao dịch sôi động ở phân khúc căn hộ chung cư, căn hộ đã hoàn thiện, có diện tích nhỏ, giá bán hợp lý. Giá nhà ở đã dần ổn định sau thời gian dài giảm sâu.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chuyển biến tích cực trên nhiều mặt, đơn cử như: Doanh thu bình quân cải thiện kể từ quý 2/2013. Doanh thu bình quân toàn khu vực doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2014 tăng 20,1% so với cùng kì 2013, đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2009.

Quy mô tài sản và vốn bình quân của doanh nghiệp tăng. Tổng tài sản và vốn chủ sở hữu bình quân tăng tương ứng 19,44% và 18,92% so với cùng kỳ 2013 - là mức tốt nhất kể từ năm 2009. Điều này cho thấy niềm tin kinh doanh của khu vực này có sự phục hồi nhất là khi thị trường chứng khoán cũng có những diễn biến tích cực  và chỉ số Môi trường kinh doanh (BCI)  quý 3/2014 vượt xa quý trước (74 điểm so với 66 điểm).

Khả năng thanh toán và trả nợ lãi vay tốt hơn nhờ vào lãi suất giảm, tái cơ cấu và quản lý tốt hơn tài sản. Khả năng thanh toán lãi vay của khu vực doanh nghiệp phi tài chính đạt 5,07 và ở mức cao nhất kể từ 2011; Tỷ số thanh toán hiện thời và tỷ số thanh toán nhanh  tương ứng đạt 1,56 và 0,86 lần.

Thách thức phải đối mặt

Mặc dù doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực trong 6 tháng đầu năm 2014, song hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Hiệu quả kinh doanh của nhóm SMEs liên tục suy giảm kể từ năm 2008. Trong tháng 10/2014, nợ đọng thuế của doanh nghiệp tăng 12,9% so với 31/21/2013.

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất chắc ảnh hưởng đến FDI; tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2014, vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, chỉ bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013; Vốn FDI thực hiện đạt 10,15 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ 2013.

Đầu tư tư nhân hạn chế khi tín dụng khó tăng cao do: tổng cầu thấp; doanh nghiệp còn khó khăn về năng lực tài chính; thị trường bất động sản phục hồi chậm ảnh hưởng đến giá trị tài sản thế chấp; mặt bằng lãi suất còn cao so với mức lạm phát kỳ vọng.

Tuy nhiên, theo dự báo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, lạm phát năm 2014 và dự báo 2015 sẽ tiếp tục ổn định do: tác động của yếu tố cầu kéo lên lạm phát là không đáng kể (tổng cầu thấp); các yếu tố chi phí đẩy dự kiến cũng không tác động đáng kể lên lạm phát do giá cả hàng hóa thế giới dự báo ổn định trong năm 2015; xuất khẩu tiếp tục tăng, cán cân thanh toán thặng dư, tỷ giá ổn định.

Đây là tiền đề quan trọng để tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể như: Ngân hàng Nhà nước xem xét cung cấp nguồn vốn với lãi suất thấp ưu đãi cho các tổ chức tín dụng nhằm tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất cho vay mà không ảnh hưởng đến NIM của hệ thống tổ chức tín dụng.

Sửa đổi đồng bộ các Luật như: Luật Dân sự, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở theo hướng đảm bảo quyền tài sản để tạo điều kiện rút ngắn thời gian phát mại tài sản đảm bảo, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, thúc đẩy hình thành thị trường mua bán nợ, thu hút thêm các nguồn lực mới vào thị trường bất động sản; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, tăng cầu đầu tư.​

Các tin khác

    There are no items to show in this view.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai



 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Sở Tài Chính - Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Ban biên tập Website
Địa chỉ: Số 42 đường Cách Mạng Tháng 8, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hoà , tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251).3847.778; Fax: (0251).3847.433; Email: stc@dongnai.gov.vn ​