Bộ Tài Chính vừa ký ban hành Thông tư số
56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài
chính của đơn vị sự nghiệp công lập; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại,
giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư này đã hướng dẫn cụ
thể một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp
công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định
cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn về xử lý tài sản,
tài chính khi tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại Nghị
định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định
về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và có hiệu lực
thi hành kể từ ngày 01 tháng 11 năm 2022, trong đó có hướng dẫn về “thời kỳ ổn
định tự chủ tài chính”, “nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3”
sau thời kỳ ổn định và các trường hợp “phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính”,
cụ thể:
- Tại khoản 6 Điều 9: Việc
giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công được ổn định trong thời
gian 05 (năm) năm, phù hợp với giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Thời kỳ ổn
định tự chủ tài chính lần đầu được áp dụng đến năm 2025.
Năm cuối của mỗi thời kỳ ổn
định, các đơn vị báo cáo tổng kết đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ của
thời kỳ trước, nhiệm vụ của năm kế hoạch và thời kỳ tiếp theo để xây dựng
phương án tự chủ của thời kỳ ổn định tiếp theo, gửi cơ quan quản lý cấp trên
xem xét cùng với thời gian lập dự toán ngân sách của năm kế hoạch;
Trong thời kỳ ổn định tự chủ
tài chính, trường hợp đơn vị có thay đổi về chức năng, nhiệm vụ hoặc có biến động
lớn về tình hình kinh tế xã hội, thay đổi chính sách, chế độ hoặc do nguyên
nhân bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh dẫn đến biến động lớn về nguồn thu
hoặc nhiệm vụ chi, từ đó làm thay đổi mức độ tự chủ tài chính, sau khi đơn vị
đã sử dụng các Quỹ được trích lập còn dư theo quy định nhưng cân đối thu
chi của đơn vị đến cuối năm ngân sách không đảm bảo theo phương án tự chủ tài
chính đã được phê duyệt, vào quý I của năm tiếp theo, đơn vị có trách nhiệm xây
dựng phương án tự chủ về tài chính theo quy định tại khoản 1 Điều này để trình
cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt lại phương án tự chủ tài chính cho thời
gian còn lại của thời kỳ ổn định.
Trình tự xem xét, phân loại
và giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công theo quy định tại
Điều này.
- Tại khoản 7 Điều 9. Sau mỗi
thời kỳ ổn định, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách
nhiệm rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị nhóm 3 trực thuộc
theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 35 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP .
Đức Thuận