Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
Công văn số 1814/BVN-TCBC ngày 26/04/2025 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ.

hình 1_800_05052025001343.jpg

     Ngày 26/04/2025, Bộ Nội vụ ban hành Công văn số 1814/BVN-TCBC về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và Nghị định số 67/2025/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó hướng dẫn chi tiết một số nội dung:

     1. Về xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy

     Việc xác định cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được hiểu trong các trường hợp sau:

     a) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, tiếp nhận hoặc điều chuyển chức năng nhiệm vụ

     - Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có cơ cấu tổ chức bên trong: Đơn vị tổ chức bên trong nào trực tiếp thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy;

     - Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cơ cấu tổ chức bên trong thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập, tiếp nhận (hoặc điều chuyển) chức năng, nhiệm vụ và biên chế được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     b) Các tổ chức có tổ chức lại về mô hình tổ chức hoạt động

     - Các cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức lại thành đầu mối thuộc Bộ (bao gồm các đơn vị thuộc hệ thống ngành dọc); các Tổng cục và tương đương thuộc Bộ tổ chức lại thành Cục và tương đương thuộc Bộ; các Cục và tương đương tổ chức lại thành Chi cục và tương đương; Chi cục và tương đương tổ chức lại thành Phòng và tương đương,... được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     - Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công thương được tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     - Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện được tổ chức lại theo khu vực liên tỉnh, liên huyện được xác định đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     c) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị giải thể, kết thúc hoạt động thì cơ quan, tổ chức, đơn vị nào giải thể, kết thúc hoạt động thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó được xác định là đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     d) Đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính các cấp

     - Đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh thực hiện hợp nhất, sáp nhập thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập được xác định là cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

      - Đối với đơn vị hành chính quyền cấp huyện chấm dứt hoạt động thì các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp huyện thực hiện phương án giải thể, chấm dứt hoạt động, hợp nhất, sáp nhập được xác định là cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     - Đối với đơn vị hành chính cấp xã thực hiện phương án hợp nhất, sáp nhập thì cán bộ, công chức cấp xã là đối tượng chịu tác động trực tiếp của quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

     2. Về thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức

     Các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy theo yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW1 thì căn cứ Đề án vị trí việc làm, Kế hoạch (hoặc Đề án tinh giản biên chế) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã được ban hành, thực trạng số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cùng với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền thực hiện việc đánh giá, sàng lọc đưa ra khỏi cơ quan, tổ chức, đơn vị những người không đáp ứng theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị nhằm thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để làm căn cứ xác định đối tượng hưởng chính sách, chế độ theo quy đinh tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025).

     3. Về đối tượng áp dụng

     a) Đối tượng áp dụng chính sách, chế độ theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) được thực hiện thống nhất theo quy định tại Điều 2, không loại trừ những người đã có quyết định nghỉ hưu hoặc đã có thông báo nghỉ hưu.

     b) Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo quản lý theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị khi tổng số lượng cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý cùng cấp cao hơn so với quy định (trường hợp tổng số lượng cấp phó thấp hơn so với quy định thì cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị không trực tiếp sắp xếp tổ chức bộ máy không phải là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy).

     c) Đối với người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP)

     - Người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy và đã có thời gian ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP2 trước ngày 15/01/2019 (ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 của Chính phủ), được chuyển tiếp ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP3, Nghị định số 111/2022/NĐ-CP4 thì thuộc đối tượng áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP ngày 15/3/2025).

     - Người lao động đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp tổ chức bộ máy và đã có thời gian ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP5 trước ngày 15/01/2019 và đã chấm dứt hợp đồng lao động (nghỉ làm việc và không đóng bảo hiểm xã hội trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội); sau đó thực hiện ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP hoặc Nghị định số 111/2022/NĐ-CP sau ngày 15/01/2019 thì không thuộc đối tượng áp dụng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

     d) Đối với cán bộ cấp huyện thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) thì thời điểm nghỉ việc để hưởng chính sách, chế độ được tính kể từ khi cấp huyện kết thúc hoạt động theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

     đ) Cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019- 2021 và giai đoạn 2023­2025 theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghỉ việc sau ngày 01/01/2025 thì thuộc đối tượng áp dụng quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

     e) Viên chức và người lao động chịu sự tác động trực tiếp của việc chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và sau cai nghiện ma túy từ ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về ngành Công an quản lý nhưng không được Bộ Công an tiếp nhận, không bố trí được công việc khác và có nguyện vọng nghỉ việc thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải quyết chính sách, chế độ theo quy đinh tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

     g) Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

     Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Bộ luật Lao động năm 2019), trường hợp có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021) và có đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động, nếu có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên thì thuộc đối tượng nghỉ hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Lao động năm 2019), không thuộc đối tượng áp dụng của Nghị định số Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

     h) Đối với người làm việc tại các Hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện

     Đối với các hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp huyện thực hiện sắp xếp, hợp nhất, sáp nhập tổ chức bộ máy phù hợp với yêu cầu của việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/CP thì người trong độ tuổi lao động có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phân công, điều động đến làm việc tại hội và người được tuyển dụng trong chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao cho hội thuộc đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).

     4. Thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy

     a) Đối với các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan, ngang Bộ thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo thời điểm có hiệu lực của Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Trường hợp có điều khoản chuyển tiếp thì thực hiện theo điều khoản chuyển tiếp (Ví dụ 2 ở Phụ lục kèm theo).

     b) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của Bộ thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

     c) Đối với các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo thời điểm có hiệu lực của Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn đó.

     d) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập ngoài cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì thời điểm quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy được xác định theo quyết định của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

     5. Về tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng trợ cấp

     a) Tại khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) và điểm a khoản 2 Điều 3 Thông tư số 01/2025/TT-BNV ngày 17/01/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Thông tư số 02/2025/TT-BNV ngày 04/4/2025) đã quy định rõ tiền lương hiện hưởng và cách khoản phụ cấp để tính tiền lương tháng hiện hưởng để tính hưởng chính sách, chế độ quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP). Theo đó:

     - Các khoản phụ cấp khác (phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp độc hại, nguy hiểm, phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút, phụ cấp trách nhiệm cấp ủy6, phụ cấp trách nhiệm kế toán trưởng, …) không được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng.

     - Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP và khoản 6 Điều 5 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) thì phụ cấp chức vụ lãnh đạo được bảo lưu được tính vào tiền lương tháng hiện hưởng (Ví dụ 3 ở Phụ lục kèm theo).

     b) Đối với các trường hợp nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau thì tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề của tháng trước khi nghỉ việc không hưởng lương, nghỉ ốm đau. Riêng mức lương cơ sở được tính trên mức lương liền kể của tháng trước liền kề tháng nghỉ việc theo Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) (Ví dụ 4 ở Phụ lục kèm theo).

     6. Thời điểm tính trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội

     Căn cứ quy định tại Điều 7 Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) và Điều 4 Thông tư số 01/2025/TT-BNV ngày 17/01/2025 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Thông tư số 02/2025/TT-BNV ngày 04/4/2025) thì đối với những người nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 01/7/2025 (ngày có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024) thì hưởng trợ cấp theo số năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội như sau: Trường hợp đủ 15 năm công tác trở lên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được trợ cấp 04 tháng tiền lương hiện hưởng đối với 15 năm đầu công tác; từ năm thứ 16 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp 0,5 tháng tiền lương hiện hưởng.

     7. Về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

     Tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) đã ban hành nguyên tắc, tiêu chí chung để làm cơ sở áp dụng thống nhất cho các Bộ, ngành, địa phương. Căn cứ đặc điểm tình hình và thực tiễn của từng Bộ, ngành, địa phương, các Bộ, ngành, địa phương xây dựng tiêu chí riêng để áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.

     Đối với trường hợp có đơn tự nguyện xin nghỉ việc cũng phải thực hiện đánh giá và rà soát theo tiêu chí để xác định đối tượng nghỉ theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP) .

     8. Về giải quyết chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án giải thể, kết thúc hoạt động

     Cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền được giao tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện phương án giải thể, kết thúc hoạt động và có trách nhiệm xem xét, giải quyết chính sách, chế độ, đảm bảo quyền lợi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2025/NĐ-CP).​

1814-BNV-huong dan thuc hien NĐ178 NĐ67.pdf

Phu luc kem theo cong van 1814.pdf

Trần Duy Phúc (Phòng NSNN)

Các tin khác

Tình hình đăng ký doanh nghiệp

Kết quả thu hút đầu tư

Dướng dẫn đăng ký doanh nghiệp

- Lĩnh vực Thành lập và sắp xếp lại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Sở Tài chính tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Save Conflict. Your changes conflict with those made concurrently by another user. If you want your changes to be applied, click Back in your Web browser, refresh the page, and resubmit your changes.Trong ngày:
Tất cả:

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ TÀI CHÍNH - ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: Sở Tài Chính - Đồng Nai
Chịu trách nhiệm: Ban biên tập Website
Địa chỉ: Số 312 đường Cách Mạng Tháng 8, phường Quang Vinh, thành phố Biên Hoà , tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: (0251).3847.778; Fax: (0251).3847.433; Email: stc@dongnai.gov.vn ​