Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Đồng Nai cùng cả nước tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày giải phóng tình hình kinh tế của tỉnh rất khó khăn, các cơ sở ngừng hoạt động do phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và kỹ thuật từ nước ngoài, số người thất nghiệp gia tăng, tiền tệ lạm phát, thị trường hỗn loạn. Do chiến tranh tàn phá các vùng nông thôn nên nông dân không có ruộng đất canh tác, người dân tập trung về các đô thị tạo nên áp lực lớn về an ninh lương thực. Khả năng quản lý kinh tế xã hội của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình mới.
Bên cạnh đó tỉnh cũng có những mặt thuận lợi để phát triển kinh tế, sau giải phóng khu kỹ nghệ Biên Hòa (Nay là khu công nghiệp Biên Hòa 1) là khu kỹ nghệ lớn nhất miền Nam bấy giờ được chính quyền tiếp nhận và nhanh chóng khôi phục sản xuất. Cơ sở sản xuất điện, nước được tiếp quản trong tình trạng tốt, chỉ mất một thời gian ngắn đã ổn định sản xuất phục vụ cho nền kinh tế. Là tỉnh có nhiều đồn điền cao su rộng lớn được xây dựng từ thời Pháp, cách mạng đã thực hiện quốc hữu hóa các đồn điền này để khai thác và ổn định đời sống công nhân.
Ngành Tài chính đứng trước nhiệm vụ mới, phải nhanh chóng chuyển đổi chiến lược nhiệm vụ tài chính phục vụ chiến đấu sang nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, phải tăng cường và xây dựng đội ngủ cán bộ đủ sức thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.
Sau giải phóng Ty Tài chính Đồng Nai được thành lập trên cơ sở là Ban Kinh tài khu Đông Nam Bộ, Ban Kinh tài khu Đông Nam Bộ, Ban Kinh tài Bà Rịa Long Khánh, Ban Kinh tài tỉnh Biên Hòa, lãnh đạo Ty lúc bấy giờ có các đồng chí Phan Cao Tường, Nguyễn Văn Y, Nguyễn Thiện Nhượng, Nguyễn Văn Bình và nhiều đồng chí là cán bộ, nhân viên được điều từ các đơn vị trên. Nhiệm vụ của Ty Tài chính là tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh thực hiện mọi hoạt động tài chính ở địa phương, quản lý toàn bộ cơ sở vật chát của chế độ cũ để lại, nhanh chóng ổn định và khôi phục sản xuất nhằm mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Những năm tiếp theo sau đó Sở Tài chính đã tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh thực hiện tốt những chủ trương lớn của ngành tài chính.
Sau 10 năm giải phóng, hệ thống tổ chức ngành tài chính từ tỉnh xuống cơ sở đã được hình thành và phát triển. Từ đó tham mưu tốt cho UBND tỉnh thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về tài chính ngân sách trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế xã hội của tỉnh. Nền kinh tế của tỉnh đã có những bước phát triển nhất định, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu chi ngân sách và thực hiện các nhiệm vụ về tài chính ngân sách của địa phương.
Nước ta bước vào thời kỳ đổi mới trong tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng. Các cơ chế quản lý mới chưa được hình thành. Chính sách giá – lương tiền chưa triển khai đồng bộ, nền kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, siêu lạm phát xuất hiện và kéo dài, đời sống cán bộ nhân dân gặp nhiều khó khăn.
Với những nổ lực đấu của toàn thể CBCC, ngành tài chính đã đạt được những thành tựu to lớn, kết quả thu ngân sách hàng năm vượt dự toán Trung ương và Hội đồng nhân dân tỉnh giao, số thu ngân sách luôn đứng trong nhóm 5 đầu bảng của cả nước, tạo nguồn thu quan trọng đáp ứng nhu cầu chi phát triển kinh tế xã hội của địa phương và đóng góp đáng kể vào ngân sách Trung ương.