Công tác dân vận có một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, làm tốt công tác dân vận sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị trí của tổ chức cơ sở đảng nói chung, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị nói riêng của mỗi cơ quan, đơn vị. Xác định được tầm quan trọng này, Đảng bộ Bộ Tài chính luôn thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao…
Đinh Đức Xương
Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Bộ Tài chính
Công tác dân vận có một vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, làm tốt công tác dân vận sẽ tác động mạnh mẽ đến việc củng cố và nâng cao vị trí của tổ chức cơ sở đảng nói chung, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị nói riêng của mỗi cơ quan, đơn vị. Xác định được tầm quan trọng này, Đảng bộ Bộ Tài chính luôn thực hiện nghiêm túc mọi chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận, lồng ghép với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao…
Trong tác phẩm Đường cách mệnh, Chủ tịch Hồ chí Minh chỉ rõ: cách mệnh là việc chung của dân chúng, mọi người đều phải làm cách mệnh. Với tác phẩm này, Người đã đặt nền móng cho lý luận về công tác dân vận, khoa học vận động quần chúng. Trong Lời kêu gọi quốc dân nhân ngày thành lập Đảng, Sửa đối lối làm việc, Đời sống mới… tư tưởng, quan điểm dân vận của Người được bổ sung rõ nét, hoàn thiện hơn.
Ngày 15/10/1949, trên Báo Sự Thật, số 120 đã đăng bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ( với bút danh X.Y.Z). Bài báo Dân vận là tác phẩm tiêu biểu nhất, điển hình nhất về phong cách phương pháp dân vận Hồ Chí Minh. Mở đầu bài báo, Người nhắc lại “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”, và chỉ với mấy dòng chữ, Người đã tóm tắt nêu lên bản chất của Nhà nước Việt Nam mới, đó là một nhà nước dân chủ trong đó: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân; bao nhiêu quyền hạn đều của dân; công việc đổi mới và sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là trách nhiệm và công việc của dân; chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến xã đều do dân cử ra, tổ chức nên; tất cả quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ”, đây chính là cơ sở, tiền đề có tính chất quyết định trong công tác dân vận. Cuối bài Dân vận, Người kết luận: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Hơn 80 năm qua, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đánh giá công tác dân vận thời gian qua đã góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Phải nói rằng, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn so với trước đây; trong đó một trong những khó khăn, trở ngại đó là điều khác biệt rất cơ bản hiện nay so với trước đây là vấn đề lợi ích. Trước đây, khi chưa giành được chính quyền, toàn dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trên dưới một lòng, kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân để giành chính quyền về tay nhân dân. Khi Cách mạng thánh Tám thành công, toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy; mọi người đều “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đều có lợi ích lớn nhất đó là độc lập, thống nhất Tổ quốc; mọi người đều cùng chung cái nghèo, cùng nhau chia ngọt, xẻ bùi, vui vẻ và xan xẻ cái nghèo như nhau; nhân dân đặt hết niềm tin của mình vào cán bộ của Đảng; người chỉ huy với người lính thực sự “một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Chính sự gắn bó máu thịt giữa cán bộ với nhân dân, giữa người chỉ huy với người lính, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần vô cùng to lớn làm nên những chiến thắng lẫy lừng. Hiện nay, như Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đánh giá: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; một số nơi có tình trạng những việc làm đúng, gương người tốt không được đề cao, bảo vệ; những sai sót, vi phạm không được phê phán, xử lý nghiêm minh, tình trạng phân hoá giàu nghèo đã trở nên rõ rệt, một số chính sách chưa đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân, nhiều bức xúc chưa được giải quyết, quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi bị vi phạm; trong khi đó các thế lực thù địch không từ bỏ âm mưu và hoạt động "diễn biến hòa bình", thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", tăng cường hoạt động chống phá, chia rẽ nội bộ Đảng và phá hoại mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với nhân dân, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng; làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; ảnh hưởng xấu đến tâm tư, tình cảm, nhiệt tình của những người chân chính, của nhiều cán bộ đang lăn lộn nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Bế mạc Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chỉ có đổi mới và làm tốt công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân, cũng như khối đại đoàn kết toàn dân thì mới phát huy được sức mạnh to lớn của toàn dân phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3).
Để thực hiện thắng lợi 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm cho công tác dân vận trong thời gian tới theo Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Chương trình hành động số 16-CTr/ĐUK ngày 18/8/2013 của Đảng ủy Khối các cơ quan TW, các cấp ủy Bộ Tài chính đã phối hợp với Lãnh đạo các cấp chỉ đạo các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác dân vận, xem đó là nhiệm vụ chính trị thường xuyên phải tổ chức thực hiện.
Giải pháp đầu tiên để tăng cường công tác dân vận là việc chỉ đạo các đảng bộ, chi bộ trực thuộc, các cơ quan báo chí chuyên ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, Nghị quyết gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và nội dung bài báo “Dân vận” của Hồ Chủ tịch trong cán bộ, đảng viên và quần chúng toàn ngành; từ đó làm rõ hơn tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách quần chúng của Bác, liên hệ với thực tiễn, nhiệm vụ của tổ chức Đảng cơ quan, đơn vị trong ngành, từ đó nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.
Ngay từ những tháng cuối năm 2013, Đảng ủy Bộ và các đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã triển khai quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Trung ương Đảng về công tác dân vận, ban hành kế hoạch, chương trình hành động, phân công các ủy viên phụ trách công tác dân vận, các tổ chức quần chúng: Công đoàn, thanh niên, hội cựu chiến binh. Đối với Đảng ủy Bộ Tài chính, đã ban hành: Quy chế làm việc của Ban Dân vận, nhiệm kỳ 2010 – 2015; Chương trình công tác thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ, nhiệm kỳ 2010-2015; phân công các thành viên của Ban phụ trách công tác dân vận tại các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc; Quy chế công tác dân vận nhiệm kỳ 2010 -2015. Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ ban hành Quyết định số 116/QĐ-TCCB, ngày 18/01/2011 về kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở và Quyết định số 974/QĐ-BTC ngày 29/4/2011 về ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở của Bộ Tài chính.
Đảng ủy Bộ Tài chính đã ban hành Chương trình hành động số 206-CTr/ ĐU, ngày 06/11/2013 thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới (Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và triển khai kế hoạch “Năm tăng cường và đổi mới công tác dân vận” (Năm Dân vận - 2014).
Qua việc triển khai thực hiện, hệ thống chính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố và kiện toàn; vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính tchính trị ở cơ sở không ngừng được củng cố và kiện toàn; vai trò lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị được khẳng định, công tác quản lý nhà nước được tăng cường; hoạt động của các đoàn thể được đổi mới, vai trò làm chủ của người lao động trong tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được phát huy.
Đảng ủy Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phổ biến, quán triệt tới các đơn vị trong hệ thống và cán bộ, công chức về những quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát huy quyền làm chủ, mở rộng dân chủ trực tiếp; quy trình, quy chế tiếp công dân, nhận và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân tại các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và tổ chức tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Các cơ quan đơn vị trong Bộ đã thực hiện nghiêm túc Quy chế công tác dân vận, phân công lãnh đạo trực tiếp phụ trách công tác dân vận; cấp ủy Đảng, thủ trưởng và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong ngành Tài chính đã chỉ đạo tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện Kết luận 65-KL/TW ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ.
Qua đó đã có nhận thức đúng đắn về sự cần thiết và vai trò tích cực của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh; các cơ quan, đơn vị đã tổ chức triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thông qua các biện pháp cụ thể như thành lập và kiện toàn nhân sự Ban chỉ đạo quy chế dân chủ ở Bộ và các hệ thống dọc; xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung công việc được đề ra. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị cùng với việc sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả đạt được để rút kinh nghiệm tiến hành tốt hơn trong giai đoạn sau.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động của các tổ chức quần chúng trong cơ quan Bộ được tăng cường: Đảng ủy Bộ đã Ban hành Quyết định số 37-QĐ/ĐU ngày 16/5/2011 về thành lập Ban chỉ đạo Năm thanh niên 2011, chỉ đạo các tổ chức đảng, các tổ chức quần chúng trong cơ quan triển khai sơ kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 629 – NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác thanh niên”; Chỉ đạo Đoàn thanh niên Bộ chuẩn bị các nội dung để tổ chức Đại hội nhiệm kỳ; Chỉ đạo Công đoàn tổ chức Hội nghị giữa nhiệm kỳ theo kế hoạch; Làm việc với Thường trực Hội Cựu chiến binh cơ quan Bộ về công tác tổ chức và hoạt động của Hội Cựu chiến binh trong thời gian tới; chủ động phối hợp với các đoàn thể nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, công chức; tham mưu giúp cấp ủy ban hành chương trình hành động, triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về công tác vận động quần chúng; tham mưu cho cấp ủy tổ chức quán triệt Kết luận 65-KL/TW ngày 4/3/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ, đạt kết quả tốt. Các cấp ủy Đảng từng bước đổi mới phương pháp lãnh đạo, định hướng nội dung hoạt động, tạo điều kiện để các đoàn thể làm tròn chức năng là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác dân vận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao, các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục triển khai Nghị quyết 25-NQ/TW Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) một cách thiết thực, cụ thể; Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm và hành động trên các lĩnh vực công tác. Theo đó, đề nghị tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; tạo sự chuyển biến rõ nét trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Hai là, tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan, đơn vị, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp (tập trung vào các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc). Đẩy mạnh việc thực hiện chương trình tổng thể “Cải cách thủ tục hành chính - theo Chiến lược cải cách hiện đại hóa ngành Tài chính và từng lĩnh vực giai đoạn 2011-2020”; Niêm yết công khai minh bạch các thủ tục hành chính, các chế độ chính sách, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thực hiện các thủ tục hành chính thông qua hệ thống tự động hóa thông tin điện tử. Coi đây là khâu đột phá trong chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác dân vận.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức: Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh. Nội dung hoạt động phải thiết thực, chất lượng; đặt trọng tâm vào vận động đoàn viên, hội viên thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của đoàn viên và hội viên. Việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào “Dân vận khéo” sát với nhiệm vụ chính trị, thực tế của cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng các điển hình, các nhân tố mới. Đồng thời, tích cực tham gia thực hiện việc giám sát và phản biện xã hội; Tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong thời gian tới.
Bốn là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận. Cấp ủy Đảng các cấp có cơ chế phối hợp kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện công tác dân vận, trong đó có việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác dân vận; việc thực hiện quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị và giải quyết các vấn đề bức xúc chính đáng trong nhân dân.